Vẫn chưa xử lý hình sự được hàng tấn lá Khat
Báo Tiếng chuông - 16/05/2017
Vừa qua, một số đối tượng lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất hàng hóa gửi rất nhiều thảo mộc khô với danh nghĩa là chè vào Việt Nam rồi đưa đi Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc và một số nước khác để tiêu thụ. Từ những bất thường trong những kiện hàng hóa đó, bằng các biện pháp kiểm tra nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện đây không phải chè hay thảo mộc thông thường, mà là “lá Khat”, một loại cây chứa chất ma túy. Tuy nhiên, các vụ việc vẫn chưa thể khởi tố hình sự.

 

Cục Hải quan và Công an Hải Phòng vừa phát hiện hơn 3 tấn lá Khat

 

“Lá Khat” được trồng nhiều ở khu vực Sừng châu Phi, tập trung chủ yếu ở Ethiopia, Kenya. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì trong “lá Khat” có thành phần chất Cathione. Đây là chất ma túy nằm trong danh mục Mục I của Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ, là chất tuyệt đối cấm, kể cả sử dụng trong y tế và nghiên cứu khoa học. 

Cây “lá Khat” thuộc nhóm cần sa tổng hợp, bản thân “lá Khat” đã là cây chứa chất ma túy Cathione, khả năng gây nghiện rất cao. Khi bị lệ thuộc vào nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tước đoạt đi mạng sống của người sử dụng. Tác hại của ma túy này nguy hiểm ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, tạo cho người sử dụng cảm giác ban đầu rất phấn khích, hưng phấn, không có mệt mỏi, không có sự đói, thậm chí là hưng phấn đến cực đỉnh.

Nhưng trên thực tế khi sử dụng vào thì rất nguy hiểm, người phụ thuộc vào nó sẽ không kiểm soát được hành vi, có thể làm bất kỳ điều gì mà khi không dùng thì không thể làm được. Chẳng hạn bơi lội trên vũng nước, hoang tưởng có người nào đó theo đuổi mình, hay leo trèo lên tòa tháp cao hàng chục mét để nhảy múa trên đó. Thậm chí người sử dụng có thể gây ra trọng án về hình sự như giết người.

Về mặt sức khỏe khi lạm dụng ma túy “lá Khat” thì gây nên một loạt hiệu ứng phụ như: rụng răng, gây nên hiện tượng điên loạn và là một trong những tác nhân gây ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng, ung thư răng (vì dùng “lá Khat” thường nhai, hoặc pha nước uống). Bởi vậy “lá Khat” có thể tước đi sinh mạng sống của con người lúc nào không biết. Tuy nhiên, giới trẻ thường tuyên truyền cho nhau sử dụng cần sa tổng hợp không gây nghiện, sử dụng rất thích, đây là điều vô cùng nguy hiểm.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, mặc dù chất Cathionie nằm trong danh mục tuyệt đối cấm sử dụng của Chính phủ, tuy nhiên việc xử lý các vi phạm liên quan đến “lá Khat” vẫn đang gặp vướng mắc.

Vướng mắc ở đây là do chế tài xử lý về mặt pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự năm 1999, cũng như Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua có một chương tội phạm về ma túy. Điều 247 của Bộ luật Hình sự 2015 có quy định "Xử lý hình sự đối với người có hành vi trồng cây coca, cây thuốc phiện, cây cần sa và cây có chứa chất ma túy khác". Tuy nhiên, khi cá thể hóa và định khung hình phạt ở các Điều luật tiếp theo, ví dụ Điều về tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất ma túy chỉ quy định "Mua bán, vận chuyển, tàng trữ cây coca, cây cần sa, cây thuốc phiện" mà không nhắc tới “các cây khác có chứa chất ma túy”. Nếu chiếu theo quy định của pháp luật thì cây “lá Khat” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Đây là cái khó cho lực lượng chức năng khi xử lý hình sự những vụ việc như thế này. Vì vậy, khi ngăn chặn được thì chúng tôi chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác ví dụ như tiêu hủy, xử phạt hành chính những đơn vị nhập, xuất khẩu “lá Khat”.

Chính vì có những lỗ hổng về quy định của pháp luật như vậy nên Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đề nghị các cơ quan làm luật bổ sung, chỉnh sửa quy định chặt chẽ hơn. Trong Luật đã quy định “người nào trồng cây cần sa, cây coca, cây thuốc phiện và những cây khác chứa chất ma túy thì xử lý hình sự”, do vậy trong những điều luật cụ thể ngoài cây cần sa, cây coca, cây thuốc phiện phải đưa bổ sung “các cây khác có chứa chất ma túy”. Bởi như thế, nếu trong thời gian tới, chúng ta phát hiện ra cây khác có chứa chất ma túy nằm trong các Nghị định của Chính phủ thì có thể xử lý được ngay mà không vướng như hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay chưa phát hiện việc đưa cây “lá Khat” ra thị trường Việt Nam nên việc sử dụng chưa có ở Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy của 63 tỉnh, thành cùng với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đang tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, đặc biệt là Hải quan và kiểm soát cửa khẩu để ngăn chặn bằng được việc vận chuyển cây “lá Khat” vào Việt Nam và đưa đi nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý cũng trao đổi với lực lượng phòng chống ma túy của các nước, thông qua kênh các sĩ quan liên lạc thường trực tại Việt Nam yêu cầu có sự phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng nhập “lá Khat” vào Việt Nam và chuyển đi nước ngoài. Tuy nhiên, không có giải pháp nào hiệu quả hơn là các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được tác hại của ma túy “lá Khat” để tránh xa. Cần phải làm cho các các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nắm được kiến thức về các loại ma tuý, nhất là khi ma tuý tổng hợp ngày càng biến tướng và len lỏi đời sống hiện nay. Phải làm sao để các em hiểu rằng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp là một mối hiểm hoạ vô cùng lớn của xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10/2016), trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chính phủ đề nghị bổ sung xử lý hình sự đối với việc buôn bán, vận chuyển những loại ma túy mới. Trong đó có bổ sung chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy (quy định tại Điều 248, 249, 250, 251, 252).

Báo cáo thẩm tra đối với Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone). Thực tiễn cho thấy, tội phạm về ma túy thời gian qua diễn biến khó lường và có khả năng sẽ xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, vừa bảo đảm chặt chẽ, không bị lạm dụng.

Tuy nhiên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 do đó vẫn chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với lá Khat.