Tăng cường phối hợp phòng, chống lao/HIV trong bối cảnh nguồn lực suy giảm
Báo Tiếng chuông - 28/03/2017
Giai đoạn 2016-2020, Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS không còn là Chương trình Mục tiêu quốc gia độc lập mà là một dự án phòng, chống HIV/AIDS nằm trong Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số do Bộ Y tế quản lý. Nguồn ngân sách do Chính phủ cấp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cũng bị cắt giảm dần tiến tới ngừng hỗ trợ.

 

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

 

Trong bối cảnh kinh phí khó khăn nhưng Việt Nam cam kết với Hội đồng Liên Hợp Quốc thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV, 90% người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS, 90% người điều trị HIV/AIDS có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) để kết thúc AIDS vào năm 2030. Trong khi đó, mục tiêu của Chương trình Phòng, chống lao sẽ kết thúc bệnh lao vào năm 2030.

Để đối phó với việc cắt giảm kinh phí viện trợ từ nước ngoài, Chính phủ đã yêu cầu chuyển đổi từ sử dụng kinh phí viện trợ sang sử dụng ngân sách trong nước thông qua quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 về việc hướng dẫn thực hiện khám bệnh chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS và Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26/2/2016 quy định về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao. Để thực hiện 2 thông tư này, các cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở điều trị lao đang được kiện toàn, chuyển vào hệ thống khám bệnh chữa bệnh để thanh toán qua BHYT.

Tăng cường kết nối cung cấp dịch vụ lao/HIV

Với định hướng lồng ghép triệt để các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS và dịch vụ phát hiện điều trị bệnh lao vào mạng lưới y tế sẵn có, phân cấp mạnh cho y tế cơ sở, lấy tuyến huyện làm trung tâm và tuyến xã là cơ bản để cung cấp dịch vụ thì các hoạt động điều trị và dự phòng cũng được lồng ghép như điều trị HIV đồng thời cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Điều trị lao đồng thời dự phòng mắc lao bằng tiêm chủng BCG, điều trị dự phòng mắc lao bằng INH. Với xu hướng này, việc cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cùng một cơ sở y tế tuyến huyện cần được tăng cường và kết nối chặt chẽ với tuyến xã.

Với sự phát triển của kỹ thuật, hiện tại ngành y tế đã có một loại máy gọn nhẹ, có thể sử dụng nhiều tính năng như đo tải lượng virus HIV, phát hiện lao (Expert), viêm gan C, PCR chẩn đoán sớm nhiễm HIV do đó rất hiệu quả để sử dụng cho chẩn đoán lao và chẩn đoán, theo dõi điều trị HIV/AIDS. Giá thành của máy rẻ nên có thể mở rộng độ bao phủ của máy ở cả tuyến huyện nơi có tình hình dịch HIV và lao cao.

Ngành y tế đặt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV. Cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong ở người đồng mắc HIV và Lao. Mục tiêu đến năm 2020 là : 100% tỉnh, thành phố kiện toàn Ban điều phối HIV/Lao theo quy định của Bộ Y tế tại quyết định số 2496/QĐ-BYT ngày 18/7/2012 và hoạt động hiệu quả; 90% số người bệnh lao được xét nghiệm HIV trên tổng số bệnh nhân lao được phát hiện trong năm; 95% số người đồng mắc HIV và lao được điều trị đồng thời Lao và ARV trên tổng số người đồng mắc HIV và lao được phát hiện trong năm; 90 % số người nhiễm HIV mới đăng ký vào chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS được dự phòng mắc lao bằng INH.

Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống lao/HIV

Để thực hiện tốt công tác phối hợp giữa công tác Phòng, chống HIV/AIDS và Phòng, chống bệnh lao, giai đoạn 2016-2020, trong thời gian tới ngành y tế đặt giải pháp kiện toàn hệ thống tổ chức. Cụ thể, tăng cường vai trò chỉ đạo của Ban điều phối trong việc thực hiện phối hợp HIV/lao tại các tuyến. Ban điều phối giao trách nhiệm cụ thể và xác định kinh phí cho các hoạt động chung như giao ban Ban điều phối, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật...; thực hiện việc xây dựng kế hoạch phối hợp HIV/lao theo năm, theo giai đoạn, kế hoạch được lồng ghép vào hoạt động của mỗi chương trình tại các tuyến, sử dụng tối đa nguồn kinh phí từ các dịch vụ sẵn có thông qua hệ thống BHYT; từng bước mở rộng Mô hình lồng ghép quản lý và cung cấp dịch vụ HIV/lao ở tuyến huyện, xã, tiến đến triển khai trên toàn quốc.

Đối với công tác chuyên môn, thường xuyên cập nhật các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về phối hợp HIV/lao. Đào tạo cho cán bộ cả 2 chương trình về công tác phối hợp HIV/lao và cập nhật thường xuyên các thay đổi chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tập huấn về cách thu thập, phân tích sử dụng các chỉ số báo cáo về hoạt động phối hợp HIV/lao.

Bên cạnh đó, mở rộng độ bao phủ của máy Gene Xpert phủ 63 tỉnh/thành phố và 1 số huyện nơi có dịch HIV và lao cao. Tăng cường sử dụng kỹ thuật Xpert trong việc thực hiện chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV. Kết nối giữa điều trị và dự phòng, cung cấp dịch vụ dự phòng HIV và lao ngay tại tuyến xã. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn quản lý người đồng mắc lao/HIV trên người nghiện chích ma túy.

Trong công tác giám sát, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS hoàn thiện hệ thống báo cáo, chỉ sử dụng một phần mềm trong quản lý điều trị (ePMS) và phần mềm trong quản lý chương trình (HIVINFO) để dễ dàng chia sẻ các chỉ số phối hợp HIV và lao với chương trình lao. Hai chương trình thống nhất các chỉ số cần chia sẻ trên phần mềm của mỗi chương trình và tiến tới lồng ghép vào hệ thống quản lý chung của bệnh viện.

Ngành y tế đưa ra giải pháp về nguồn lực là sử dụng chủ yếu nguồn kinh phí từ BHYT để phát hiện, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, người bệnh lao và người đồng mắc HIV qua Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 về việc hướng dẫn thực hiện khám bệnh chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS và Thông tư số 04/2016-TT-BYT ngày 26/2/2016 quy định về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.

Chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ điều trị dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV, phối hợp chặt chẽ giữa 2 chương trình để đảm bảo INH để dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV sẵn có và liên tục. Điều trị sớm ARV cho người bệnh lao nhiễm HIV bằng cách mở rộng mô hình lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV và lao tại một cơ sở y tế. Đối với nơi chưa lồng ghép thì tăng cường phối hợp, cải thiện hệ thống chuyển tiếp thành công bằng cách phân công cụ thể cán bộ theo chịu trách nhiệm theo dõi chuyển tiếp.