![]() |
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (bên trái ảnh) và đại diện VNP+ |
Dự án thí điểm mô hình giảm phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế đang được triển khai tại TPHCM, với hỗ trợ của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Đây là một trong những nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhằm thúc đẩy việc giảm và tiến tới xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến HIV, góp phần kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Dưới sự điều phối chung của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ kỹ thuật của UNAIDS, TP.HCM triển khai mô hình này. Cụ thể, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM đã tổ chức việc sửa đổi công cụ điều tra đánh giá tình hình phân biệt đối xử liên quan đến HIV để phù hợp với tình hình thực tế, sau đó đã sử dụng công cụ này để khảo sát đối với 600 cán bộ y tế và người sử dụng các dịch vụ HIV tại 3 cơ sở y tế của thành phố.
Kết quả khảo sát cho thấy, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong các cơ sở y tế. 40% người nhiễm HIV tham gia khảo sát cho biết đã từng bị phân biệt đối xử tại cơ sở y tế. Trong khi đó, nhiều cán bộ y tế tham gia khảo sát (khoảng 70%) đã áp dụng các biện pháp dự phòng quá mức khi khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV do lo sợ có thể bị lây nhiễm.
Dựa trên kết quả khảo sát, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM đang cùng 3 cơ sở y tế nâng cao kiến thức về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV cũng như các kỹ năng chuyên môn liên quan đến HIV cho nhân viên y tế. Các chuyên gia xây dựng bộ tài liệu tập huấn phù hợp với thực tế tại 3 cơ sở để áp dụng cho Việt Nam.
Lớp tập huấn đào tạo giảng viên được tổ chức từ ngày 28/2 đến ngày 3/3 cho một số cán bộ chủ chốt của 3 cơ sở y tế và đại diện cộng đồng người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Những người tham dự thảo luận về kế hoạch tập huấn mở rộng và xây dựng bộ qui tắc ứng xử liên quan đến HIV cho cơ sở y tế, đồng thời thảo luận về vai trò của cộng đồng trong việc triển khai thực hiện dự án.
Ông Ali Safarnejad, Quyền Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam cho biết, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế là một rào cản lớn đối với nỗ lực mở rộng tối đa việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV, nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 về điều trị HIV của Việt Nam, để từ đó có thể vững bước tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Việt Nam đang chuyển đổi các dịch vụ phòng, chống HIV từ nguồn hỗ trợ của nước ngoài sang sử dụng nguồn quỹ BHYT, có nghĩa là các dịch vụ về HIV sẽ được cung cấp chủ yếu ở các bệnh viện đa khoa chứ không phải tại các cơ sở y tế chuyên biệt về HIV nữa, do đó xóa bỏ phân biệt đối xử đặc biệt quan trọng.
Theo khuyến cáo của Chương trình hành động toàn cầu, các kế hoạch quốc gia nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử trong môi trường y tế cần bảo đảm 7 vấn đề ưu tiên. Một số vấn đề đặc biệt đáng lưu ý trong nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở Việt Nam, như cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng tốt và kịp thời, bất kể người bệnh nhiễm HIV hay có các vấn đề sức khỏe khác, hoặc họ bán dâm và sử dụng ma túy; tôn trọng sự riêng tư và quyền bảo mật của người bệnh; nghiêm cấm xét nghiệm không tự nguyện hay thực hiện các can thiệp y tế cưỡng ép; bảo đảm có sự tham gia của các cộng đồng bị phân biệt đối xử trong toàn bộ nỗ lực.
Sáng kiến thí điểm này có sự tham gia đóng góp và đồng hành của đại diện Mạng lưới Quốc gia những người sống chung với HIV (VNP+) cũng như của thành viên các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao trong toàn bộ quá trình xây dựng và triển khai thực hiện.
▪ Hơn nghìn học sinh Sài Gòn ký cam kết 'không thử ma túy' (28/02/2017)
▪ Hưng Yên: Tăng cường cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng (27/02/2017)
▪ Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng 6,7% (25/02/2017)
▪ Cần nâng cao chất lượng và tăng số người nhiễm được điều trị ARV (24/02/2017)
▪ Đà Nẵng: Đề nghị có cơ chế bán thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS (22/02/2017)
▪ Hà Tĩnh: Phức tạp tình hình mại dâm tại các địa bàn giáp ranh (17/02/2017)
▪ Khánh Hòa: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống HIV/AIDS (16/02/2017)
▪ Kon Tum: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (16/02/2017)
▪ Mở rộng tư vấn, tiếp cận, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng (16/02/2017)
▪ Những thủ đoạn kiếm tiền từ web 'đen' (15/02/2017)