Trị rôm để da không nhiễm trùng
Các Website khác - 19/11/2004
Rôm, hăm da là bệnh thường gặp ở trẻ. Bé cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và điều trị ngay khi có bệnh để đạt hiệu quả tốt.

Thời tiết ở xứ nóng, làn da trẻ em mỏng manh, nhạy cảm, dễ nhiễm trùng, hệ điều tiết mồ hôi chưa hoàn chỉnh làm da trẻ thường bị ẩm ướt, một số trẻ còi xương do uống thiếu sữa, thiếu phơi nắng sáng, đổ mồ hôi trộm, chưa kể một số bà mẹ không biết dùng xà bông vệ sinh da trẻ, sợ trẻ cảm lạnh nên không tắm, lau người trẻ hằng ngày, quấn khăn, tã không hợp lý trong thời tiết nóng bức...

Những yếu tố này có thể phối hợp với nhau dẫn đến nổi rôm sảy, hăm da, hăm kẽ... là một tình trạng của viêm da, nhiễm trùng da ở mức độ nhẹ, tổn thương chỉ ở lớp thượng bì ngoài cùng của da. Đầu tiên trên da nổi lên những mụn rộp nhỏ li ti mầu đỏ, mọc ngày càng nhiều hơn và tiến triển nặng hơn nếu không cải thiện được nguyên nhân: mụn sảy mọc nhiều lớp, hóa sừng, hóa mủ, lở trợt da, bong da, rỉ nước vàng, gây ngứa ngáy khó chịu... Lúc này da có thể nhiễm trùng nặng hơn - dạng mụn nhọt, hoặc có thể gây nhiễm trùng lan sâu như vào máu. Hăm da thường ở vùng cổ, nách, bẹn, hậu môn, là những vùng da hay bị ẩm ướt với hai mặt da thường xuyên cọ sát vào nhau. Rôm sảy lại hay xảy ra ở da nhiều mồ hôi như vùng trán, lưng, đầu cổ và đôi khi có khắp cả người.

Cũng cần phân biệt rôm sảy, hăm da với những dạng dị ứng da như lác sữa, chàm eczema, mề đay, phát ban siêu vi... vì nguyên nhân và cách chữa trị khác hẳn nhau. Do đó, cần có cặp mắt chuyên nghiệp của các bác sĩ da liễu hoặc chuyên khoa nhi.

Phòng ngừa và điều trị: phải làm cho da được khô ráo, thông thoáng

Trẻ cần được tắm gội mỗi ngày bằng xà bông trẻ em, lau người thường xuyên khi thời tiết nóng bức hay khi ra nhiều mồ hôi, sau tắm cần lau khô người, đặc biệt chú ý ở những vùng kẽ khó lau khô như cổ, nách, bẹn, kheo... Mùa nóng cần cho trẻ mặc quần áo cotton thấm hút mồ hôi, rộng rãi, thông thoáng. Nên thay áo vài lần trong ngày ngay khi quần áo vừa bị ẩm.

Bạn có thể thử dùng phấn trẻ em để thoa vào da trẻ để hút ẩm, tuy nhiên khi phấn bị mồ hôi lăn cục lại thì cần phủi sạch đi để tránh làm da bị ẩm thêm. Như vậy, tùy từng trường hợp nếu thoa phấn trong 1 - 2 ngày thấy trẻ bớt sảy thì có thể dùng tiếp, còn nếu thấy không giảm mà còn mọc sảy nhiều hơn thì không nên dùng nữa.

Chú ý cho trẻ uống đủ sữa hằng ngày để cung cấp đủ chất calci, phòng chống còi xương gây đổ mồ hôi trộm bằng cách phơi nắng sáng (nắng trước 9 giờ sáng hoặc 4 - 5 giờ chiều) khoảng 20-30 phút mỗi ngày, chú ý cho nắng chiếu trực tiếp vào làn da của trẻ (không phơi qua cửa kính, không đội nón, mặc áo quần...) để có đủ vitamin D giúp hấp thu calci. Trẻ bệnh có thể tắm bằng Lactacyd, dung dịch Gynofar pha loãng,... Các công thức tắm sảy cổ truyền như nước khổ qua, nước chè xanh, nước lá cây... cho kết quả thay đổi khác nhau.

Tuy nhiên, khi sảy mọc dày nhiều, tổn thương lan rộng, có hóa mủ, chảy nước vàng,... mà các biện pháp khắc phục tại nhà đều không hiệu quả thì cần đưa trẻ đi khám ngay.

Rôm sảy, hăm da rất thường gặp nhưng cách phòng ngừa và điều trị thì không dễ chút nào nếu như không phối hợp nhiều cách thức khác nhau để làn da trẻ luôn được khô ráo, sạch sẽ. Can thiệp ngay từ sớm khi mới nổi lên vài mụn sảy nhỏ, da chỗ kẽ vừa đo đỏ... thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn. Và hãy luôn nhớ mùa hè là mùa... sảy có thể đến thăm em bé của bạn.

Bác sĩ ĐÀO THỊ YẾN THỦY
Theo Theo Tia sáng