Hãy dám trả lời các câu hỏi của con bạn (phần 5)
Các Website khác - 15/11/2004

Câu hỏi: Em bé hình thành như thế nào?

Ở trong bụng mẹ, em bé sống thế nào?

Em bé bị treo lên à?

Em bé làm gì trong bụng mẹ?

Nó thở như thế nào?

Nó ăn cái gì?

Bọn trẻ tò mò muốn biết em bé sống thế nào trong tử cung và chúng rất chú ý đến quá trình phát triển của em bé. Nếu bạn đang mang thai, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho đứa con đầu lòng của bạn. Hãy cung cấp cho chúng những thông tin tối đa về các giai đoạn khác nhau khi mang thai, trong giới hạn về lứa tuổi và khả năng hiểu biết của chúng.

Điều ẩn chứa sau câu hỏi này

Một đứa trẻ nhỏ chỉ đơn giản muốn biết nhiều hơn về em bé đang nằm trong cơ thể của một người nào đó. Những câu hỏi của trẻ có thể gắn với việc sinh nở của ai đó trong gia đình bạn hoặc là đứa trẻ có thể chú ý đến một người mang thai khi chúng đi siêu thị hay đến chỗ bác sĩ. Các câu hỏi này đến cùng lúc với các câu hỏi ở trang trước, đặc biệt là câu hỏi: “Em bé đã vào bụng mẹ bằng cách nào?”. Những đứa trẻ nhỏ bằng lòng với một câu trả lời đơn giản. Đứa trẻ lớn hơn sẽ đòi hỏi những chi tiết thu hút chúng hơn, như là: em bé ăn gì, thở như thế nào, liệu em bé có nhìn thấy, nghe thấy không? Trẻ trên 6 tuổi có thể đã được học một số trong những câu hỏi này ở trường và chúng muốn áp dụng vốn hiểu biết của mình.

Điểm mốc để trả lời

Đây là dịp tốt để học về giải phẫu. Hình minh họa có thể giúp bạn giải thích em bé phát triển như thế nào trong tử cung.

Khi trả lời các câu hỏi của một đứa trẻ dưới 8 tuổi, hãy dừng lại ở những dòng đầu, và hãy đưa ra những lời giải thích chi tiết hơn cho trẻ từ 8 - 11 tuổi.

Đứa trẻ sẽ yên tâm rằng bạn sẽ chỉ cho chúng thấy sự phát triển hàng tháng của em bé bằng hình ảnh. Hãy dán một sơ đồ lên tường, vừa với tầm mắt của trẻ em, những điều mà chúng có thể tham khảo vào bất kỳ lúc nào. Đối với trẻ từ 8 -10 tuổi, bạn nên đưa nhiều chi tiết hơn nữa bằng cách sử dụng sách vở.

Cho dù đứa trẻ có ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, bạn cũng nên nhấn mạnh với chúng rằng em bé trong bụng rất vui, được chăm sóc chu đáo và có thể động đậy trong những tuần cuối. Nếu em bé trong bụng là em trai hay em gái, mục tiêu vẫn là giúp con bạn phát triển mối quan hệ với em bé để em bé được đón nhận và được yêu mến ngay từ khi mới ra đời. Như vậy là bạn sẽ phải giúp đứa con đầu lòng của bạn không cảm thấy ghen tỵ vì bị tước đoạt.

Nếu con bạn còn nhỏ, bạn nên để chúng tựa đầu vào bụng bạn lúc đi ngủ. Bạn có thể nói với chúng “Giờ thì mẹ vuốt ve cả hai con của mẹ!”

Điều đó sẽ giúp trẻ không ngỡ ngàng khi có một thành viên mới trong gia đình và khuyến khích chúng đón nhận em bé chào đời

Điều cần biết

Khi nói về em bé, bạn thường xuyên nói: “Em bé của con” để cho đứa trẻ có cảm giác là em bé cũng thuộc về chúng cũng như thuộc về bạn vậy và đứa trẻ cảm thấy được chia sẻ. Điều đó gợi lên cảm giác được bảo vệ và che chở trước khi em bé ra đời.

Nên tham khảo ý kiến mọi người trong gia đình khi đặt tên cho em bé.

Hãy cho đứa trẻ biết về những cái đạp của em bé trong bụng. Khi bạn đi khám hay đi siêu âm, bạn nên dẫn đứa trẻ đi theo để chúng có thể nghe thấy nhịp tim.

Các câu hỏi khác có thể được đặt ra

Trong bụng mẹ rất tối phải không?

Em bé có động đậy không?

Em bé có nghe thấy, có nhìn thấy không?

Em bé trong bụng mẹ có hình dạng như thế nào?

Trả lời:

Em bé của con nằm trong một cái “ tổ” nhỏ trong bụng mẹ. Em bé nằm rất ngoan trong bóng tối và được che chở. 2-4 tuổi
Em bé của con đang lớn lên trong một cái túi nhỏ mà người ta gọi là tử cung, ở trong bụng mẹ. Em bé không thể rơi ra ngoài vì cái túi này khép kín đến tận khi em bé đã sẵn sàng chào đời. Em bé của con rất vui, em động đậy, mút ngón tay lắng nghe những tiếng động trong bụng mẹ và thỉnh thoảng cũng ngủ. 4 -6 tuổi
Sau 1 tháng trong tử cung, em bé chỉ bằng cái móng ở ngón tay cái của con. Khi được 6 tuần, tim em bé bắt đầu đập và não bắt đầu phát triển. Khi được 12 tuần, ngón tay và ngón chân hình thành, trông em bé giống như một người thu nhỏ nhưng không dài hơn ngón tay trỏ của mẹ. Cần một thời gian rất lâu - 9 tháng - để một em bé hình thành và sẵn sàng chào đời. Em bé không cần ăn uống hay thở, vì em bé nhận thức ăn và ôxy từ một ống dẫn đặc biệt ở trong bụng em, được nối với mẹ trong tử cung. 6 - 8 tuổi
Khi tinh trùng của bố và noãn của mẹ gặp nhau, em bé chỉ nhỏ bằng đầu kim. Nhưng chưa đầy 3 tháng sau, em đã bắt đầu giống như một em bé thực sự. Trong những tháng đầu tiên này, em bé phải trải qua các giai đoạn như: có những cái mang, như một con cá và có một cái đuôi nhỏ. Điều đó làm người ta nghĩ rằng con người bắt nguồn từ động vật dưới nước rồi mới đến loài khỉ. Em bé lấy cái mà nó cần trong máu của người qua dây rốn. Con có thể thấy cái rốn này trên bụng của con khi con còn trong bụng mẹ. Rốn được nối với một phần của tử cung, gọi là nhau. Ở đây, máu của em bé và máu của mẹ gặp nhau, nhờ đó em bé lấy được nguồn dinh dưỡng cần thiết và loại bỏ những cái không cần thiết. 8 -11 tuổi

(còn tiếp)