Coi chừng đột tử
Các Website khác - 24/11/2004
Kiểm tra mạch vành cho bệnh nhân.

Đang đánh cầu lông, anh Lâm (42 tuổi, ngụ tại Q.10, TP HCM) bỗng kêu nặng ngực. Chưa kịp bước vào chỗ ngồi, bất ngờ anh té lăn bất tỉnh, mắt trợn ngược, mồ hôi toát ra lạnh ngắt... Và anh đã chết trên đường đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định anh bị đột tử do nhồi máu cơ tim.

Trường hợp đột tử như anh Lâm, hầu như tháng nào Viện Tim TP HCM cũng tiếp nhận vài ca và dù cố gắng hết sức, vẫn không cứu được...

Những cái chết đột ngột

Mới đây, nam ca sĩ nhạc rap ODB (tức Russell Jones), từng nổi tiếng khắp thế giới với bài hát Got Your Money đã phải từ biệt người hâm mộ ở tuổi 35 sau khi bị đột tử ngay tại phòng ghi âm của anh ở Mahhattan (Mỹ). Bác sĩ nổi tiếng T.B.S mới qua đời gần đây cũng trong tình trạng đột tử do xuất huyết não. Trước đó, một lãnh đạo ngành du lịch nước ta khi đang ngồi họp giao ban buổi sáng bỗng té lăn ra ngưng tim, ngưng thở.

Liên quan đến "hội chứng" này, gần đây hai bệnh nhân nam hơn 40 tuổi, một ở Long An, một ở Lâm Đồng đã may mắn được các bác sĩ tại Viện Tim TP HCM cứu sống sau khi đột tử ngay lúc ngồi nghỉ ngơi tại nhà, mà nguyên nhân do mắc hội chứng Brugada (hội chứng không rõ nguyên nhân, gây tử vong bất thình lình và có tính di truyền, thường gặp ở nam giới Đông Nam Á).

Một bệnh nhân khác (38 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng rơi vào tình trạng như vậy, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất TP HCM trong tình trạng bị ngưng tim, rung thất (loạn nhịp tim). Các bác sĩ phải đánh shock điện tim đến 87 lần và cho bù điện giải kali và magiê suốt hơn 8 giờ liền bệnh nhân mới có dấu hiệu hồi phục.

Đó là những người may mắn được xử lý kịp thời, còn lại đại đa số bệnh nhân đều chết khi chưa kịp đến bệnh viện. Đáng chú ý là ngay cả những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện thì "hội chứng" đột tử cũng không buông tha. Thực tế cho thấy không ít trường hợp điều trị bệnh nhồi máu cơ tim tại bệnh viện đã đến giai đoạn hồi phục, nhưng sau khi gắng sức rặn để "đi ngoài" thì bệnh nhân đã đột tử ngay tại nhà vệ sinh.

Theo các bác sĩ, nếu đột tử do bệnh tim mạch có thể gặp ở cả nam lẫn nữ (thường trên 35 tuổi) thì đột tử do hội chứng Brugada chỉ thường xảy ra ở nam giới và có tính di truyền. Có một gia đình ở Rạch Giá (Kiên Giang) có 3 người con trai đã lần lượt qua đời trong tình trạng bị đột tử do mắc hội chứng nghiệt ngã này.

Giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, Phó giám đốc Viện Tim TP HCM, giải thích: "Đột tử là tình trạng bệnh nhân bị mất tri giác dẫn đến tử vong trong vòng 1 giờ mà phần lớn nguyên nhân do bệnh tim. Trong đó thường gặp nhất là do bệnh nhân bị hội chứng Brugada, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, bệnh cơ tim phì đại, loạn nhịp tim trên bệnh nhân suy tim nặng...". Phó giáo sư Võ Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cũng cho biết thêm, ngoài đột tử do tim mạch còn có hội chứng đột tử mà thế giới chưa giải thích được nguyên nhân (thường xảy ra vào ban đêm ở nam giới châu Á).

Tại Hội nghị tim mạch lần thứ 15 của các nước ASEAN, tổ chức tại Thái Lan vào tháng 10/2004, bác sĩ Gisalle G.Domingo (Philippines) cảnh báo "hội chứng đột tử chưa giải thích được" đang gia tăng ở châu Á. Từ tỷ lệ mắc 20/100.000 dân cách đây vài năm, nay đã tăng lên 574/100.000 dân. Số liệu này đã gây chú ý cho toàn thế giới. Điều đáng chú ý là hội chứng này có sự liên kết với hội chứng Brugada. Ở Thái Lan, 58% bệnh nhân bị hội chứng đột tử chưa giải thích được có triệu chứng giống với hội chứng Brugada, biểu hiện trên điện tâm đồ. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ này là 48%. Bác sĩ Koonlawee N. (Viện Nghiên cứu điện sinh lý Inglewood - Mỹ) cho rằng hội chứng đột tử chưa giải thích được và hội chứng Brugada được hiểu như một nhóm bệnh có biểu hiện rung thất vô căn. Hiện nay các nhà y học trên thế giới đã tìm được một số nguyên nhân gây hội chứng đột tử trên có liên quan đến gene và nhiễm sắc thể của tế bào cơ tim, song vẫn chưa thể công bố gì về hướng chẩn đoán và điều trị.

Những thời điểm nguy hiểm

Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, buổi sáng được xem là thời điểm nguy hiểm nhất, dễ gây đột tử cho những người có nguy cơ. Chỉ có một số trường hợp có các biểu hiện báo trước sự đột tử như nhức đầu nhiều, nặng ngực... còn lại phần nhiều là không có triệu chứng. Đột tử có thể xảy ra lúc bệnh nhân đang nghỉ ngơi nhưng thường gặp nhất là lúc gắng sức. Chính vì vậy có những người trong lúc ngủ bỗng nhiên đột tử hoặc ngã ra chết khi mới thức dậy nhưng cũng có nhiều trường hợp chết đột ngột khi đang chơi đá bóng, đánh quần vợt, cầu lông, hội họp, tranh cãi...

Đối với người đang chơi thể thao mà bị đột tử (thường do loạn nhịp tim) có thể do mắc bệnh tim mạch mà trước đó chưa được phát hiện hoặc không tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ Võ Quảng thì lưu ý, bất kỳ người nào trước khi tham gia thể dục thể thao, cũng cần kiểm tra sức khỏe. Riêng những người mắc bệnh mạch vành, tốt nhất là không nên chơi thể thao. Đột tử phần lớn do bệnh tim mạch gây ra, nên để phòng ngừa bệnh nhân tim mạch cần được tầm soát và điều trị. Người có yếu tố nguy cơ cao là cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu... Đối với người có hút thuốc lá thì bắt buộc phải kiểm tra mạch vành từ năm 30 tuổi, đối với người không hút thuốc lá vẫn nên kiểm tra mạch vành mỗi năm một lần, từ năm 40 tuổi.

(Theo Thanh Niên)

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi