Bệnh nhân H5N1 ở miền Bắc có ăn thịt gia cầm
Các Website khác - 20/01/2005
Anh Hưng cảm thấy mình rất khỏe khoắn.

Sau khi kiểm tra lại yếu tố dịch tễ của anh Nguyễn Thành Hưng, bệnh nhân H5N1 đầu tiên ở miền Bắc trong mùa dịch này, các bác sĩ phát hiện cả 3 anh em họ đều từng ăn thịt ngan. Vì vậy, có thể cho rằng anh Hưng nhiễm bệnh từ ngan chứ không phải từ người anh đã chết.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó phòng cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, ngày 29/12, tại Thái Bình, 3 anh em bệnh nhân Hưng đã cùng ăn thịt một con ngan (mua ở chợ Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương), có ăn tiết canh. Ba ngày sau, anh cả là Nguyễn Hữu Việt bị sốt cao, khó thở và được đưa vào Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Do bệnh quá nặng nên anh Việt đã tử vong ngày 9/1. Sau hai lần xét nghiệm âm tính với H5N1, chiều nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhân Việt đã nhiễm H5N1.

Còn anh Hưng cũng có triệu chứng bệnh và nhập viện ngày 13/1. Do trước đó bệnh nhân này có chăm sóc anh trai và chưa phát hiện được việc họ từng ăn thịt gia cầm nên lúc đầu các bác sĩ có nghĩ đến khả năng bệnh lây từ người sang người. Nhưng hiện nay, họ cho rằng bệnh nhân đã lây bệnh từ ngan. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố hôm nay cho thấy anh Hưng cũng bị nhiễm H5N1. Tuy nhiên, hiện anh đã gần khỏi bệnh, tổn thương phổi mờ nhiều. Người em của anh Hưng (tên Hùng, 36 tuổi) đến nay vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, để phòng xa, các bác sĩ vẫn yêu cầu lấy bệnh phẩm xét nghiệm và cho uống thuốc Tamiflu để dự phòng.

Tại phòng cấp cứu của Viện đang có 4 bệnh nhân viêm phổi điều trị. Ngoài anh Hưng còn có bệnh nhân Trần Văn Trường, 25 tuổi người Vĩnh Phúc, làm nghề bán gà vịt quay ở Ngọc Hà, đang chờ kết quả xét nghiệm. Hai bệnh nhân còn lại không có yếu tố dịch tễ liên quan đến gia cầm, cũng không có bệnh cảnh điển hình của H5N1 nhưng các bác sĩ vẫn cho cách ly, điều trị tích cực và lấy bệnh phẩm xét nghiệm.

Bác sĩ Vân cho biết, do Viện đã có kinh nghiệm điều trị cúm A từ năm ngoái nên trong mùa dịch này, khả năng được cứu sống của các bệnh nhân sẽ cao hơn rất nhiều. "Nếu như SARS chỉ gây tổn thương phổi thì H5N1 lại làm tổn hại cả các tạng khác như gan, thận; nhiều bệnh nhân chết không phải vì suy hô hấp mà do suy gan, suy thận. Tuy nhiên, năm ngoái chúng tôi chưa rõ lắm về điều này. Năm nay, bệnh nhân được bảo vệ gan thận ngay từ đầu nên hy vọng là các bệnh nhân nặng rồi cũng sẽ qua khỏi" - bà Vân nói.

Chiều nay, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một ca nghi nhiễm H5N1 là một cháu trai 10 tuổi sống ở Ba Vì, Hà Tây. Bệnh nhi này nhập viện với triệu chứng ho, sốt, khó thở, hình chụp phổi cho thấy có tổn thương nặng. Bệnh nhân đang được làm xét nghiệm PCR tìm virus cúm H5N1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cơ sở này đã có thiết bị xét nghiệm PCR, đủ khả năng phát hiện các ca nhiễm cúm A type H5N1. Ngoài số trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện còn dành khoa Lây để thu dung điều trị cúm A. Khi có dịch, những trẻ đang điều trị ở đây sẽ được chuyển sang khoa khác để nhường chỗ cho bệnh nhân cúm A.

Trước sự trở lại của dịch cúm A, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lập số điện thoại nóng 04.7732529 để nhận thông báo về các ca nghi nhiễm bệnh. Một mạng lưới giám sát dịch được lập với 16 bệnh viện trung ương, ngành và bệnh viện thành phố đóng trên địa bàn. Y tế dự phòng quận, huyện tổ chức giám sát thường xuyên các phòng khám, bệnh viện và trực tiếp cùng trạm y tế điều tra, giám sát tại cộng đồng. Khi có các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS và H5N1, các đơn vị trên phải thực hiện quy trình khám phát hiện, hội chẩn, vận chuyển và xử lý theo quy định và báo cáo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội theo số điện thoại nóng.

Thanh Nhàn