Những thủ đoạn vận chuyển ma túy trên biển đông
Các Website khác - 30/06/2008
Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về biển với bờ biển dài 3.260km, diện tích vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2 với vị trí chiến lược nằm trên một trong số ít tuyến giao thông đường biển quốc tế quan trọng nhất thế giới. Tuyến đường biển chạy qua địa phận của 27 tỉnh, thành phố, có 49 cảng lớn, 22 cửa sông và hàng trăm luồng lạch, kênh rạch, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thông, du lịch nhưng cũng chính là địa bàn khá lý tưởng cho tội phạm ma túy hoạt động. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, riêng đội tàu vận tải biển của cả nước hiện nay đã có trên 1.200 chiếc hoạt động thường xuyên trên các vùng biển, trong đó có hơn 400 chiếc hoạt động tuyến quốc tế, hơn 8.000 tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài số tàu đã được cấp phép hoạt động, có khoảng gần 36.000 tàu làm ăn trên biển nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, chưa kể mỗi ngày có hàng trăm chuyến tàu quốc tế qua lại hải phận Việt Nam, hầu hết trong số đó là các loại tàu cỡ lớn, tải trọng lên tới vài trăm nghìn tấn có sức chứa hàng trăm container. Và nếu có ma túy, cũng chỉ là một trong số hàng nghìn container như thế qua lại mỗi ngày.

Kiểm tra ma túy trong vụ vận chuyển trái phép 8,8 tấn cần sa ngày 12-5-2008
Thời gian gần đây, khi lực lượng công an và các lực lượng khác tập trung đánh mạnh tội phạm ma túy trên các tuyến đất liền, đường biển gần như là “ưu tiên số 1” trong địa bàn hoạt động của chúng. Bọn tội phạm thường chọn các cảng biển, cửa biển, đảo làm địa bàn trung chuyển để đưa các loại ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác, hay từ tỉnh này đến tỉnh khác trong nội địa. Ở khu vực biển Đông Bắc, các đối tượng buôn bán ma túy thường sử dụng tàu cá, các phương tiện thủy nội địa vận chuyển heroin sang Trung Quốc bán, sau đó lại mua ma túy tổng hợp về Việt Nam tiêu thụ. Khu vực tuyến biên giới Việt Nam -Campuchia, các đối tượng là tội phạm bị truy nã hoặc bị vỡ nợ trốn sang Campuchia, sau đó móc nối với các đối tượng người Campuchia hình thành các đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Ma túy được tập trung ở khu vực biên giới, sau đó vận chuyển bằng các phương tiện tàu, thuyền hoặc các phương tiện đường bộ khác vào Việt Nam. Ngoài ra, trên tuyến biển đảo còn nổi cộm tình trạng bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy tại các khu du lịch, nghỉ mát, các bến neo đậu tàu thuyền... Tội phạm ma túy  còn triệt để lợi dụng các tuyến này để chuyển hướng hoạt động, móc nối, hình thành các đường dây vận chuyển lượng ma túy lớn ra nước ngoài tiêu thụ. Ngoài số đối tượng người Việt Nam buôn bán ma túy, vùng biển Đông còn là khu vực trung chuyển ma túy của các đối tượng ma túy quốc tế. Bọn chúng vận chuyển ma túy trên các tàu biển từ Việt Nam; đi qua vùng biển Việt Nam hoặc vận chuyển quá cảnh qua Việt Nam sang nước thứ ba nhằm trốn tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Và trên một địa hình rộng bao la như thế, riêng việc từ khi nhận tin, triển khai lực lượng để tiến hành giám sát, bắt giữ đối tượng đã mất một thời gian khá dài, trong khi đó tầm quan sát trên biển lại rộng, trống trải, đối tượng dễ dàng quan sát, phát hiện lực lượng vây bắt từ xa và có thể chạy trốn sang vùng biển của nước khác hoặc ít nhất cũng quẳng ma túy xuống biển, tiêu hủy tang vật. Đó là chưa kể tội phạm ma túy quốc tế còn có
Cảnh sát biển Việt Nam diễn tập phòng chống ma túy trên biển
trăm nghìn phương kế nhằm qua mặt lực lượng nghiệp vụ. Chúng sử dụng những tàu biển được thiết kế đặc biệt, có nhiều ngăn, khoang bí mật để cất giấu ma túy. Thậm chí, chúng còn thiết kế tàu biển có nhiều lớp đáy, nhiều lớp thân vỏ và ma túy được giấu giữa những đáy hay thân vỏ đã được hàn kín đó. Ma túy có thể cất giấu trong các container, sau đó được bọc bằng nhiều lớp chống soi chiếu của các máy phát hiện ma túy hoặc giấu trong các container chuyên dụng không được phép kiểm tra và dĩ nhiên, nếu không có những công cụ, thiết bị kỹ thuật thật chuyên dụng, hiện đại thì không thể phát hiện bằng các kiểm tra, kiểm soát thông thường. Bọn buôn bán ma túy còn dùng một thủ đoạn khá cổ điển mà hiệu quả là dùng dây chằng buộc ma túy vào thân tàu, đáy tàu, khi bị  phát hiện kiểm tra thì cắt dây phi tang toàn bộ tang vật. Công an TPHCM đã phát hiện một vụ các đối tượng vận chuyển ma túy bằng cách đúc heroin thành thỏi “bám” vào các thùng loa hoặc được đúc vào kẽ hở của thỏi nam châm, sau đó để trong container đầy ắp hàng hóa chống thiết bị dò tìm. Khi vận chuyển trên biển, bọn tội phạm thường liên tục thay đổi hải trình, đổi màu sơn, số hiệu, hô hiệu (tên gọi) tàu biển, thay đổi cờ (quốc tịch), thay đổi hồ sơ lý lịch tàu trước khi cập cảng cùng các loại giấy tờ liên quan để đối phó với sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Có vụ, bọn chúng thay đổi đến 5-6 cảng, trên 5-6 loại phương tiện khác nhau, nhiều trường hợp, đối tượng còn xóa nguồn gốc hàng nhập, gây khó khăn không ít cho công tác điều tra, xác minh, truy nguyên của cơ quan chức năng. Đặc biệt với loại hàng đặc chủng. Liên tiếp trong 2 năm 2006-2007, lực
Cảnh sát biển bắt một đối tượng vận chuyển ma túy trên biển
lượng PCMT, Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận thông tin ngoại biên từ Bộ Công an, xác lập chuyên án PR-01, PR-02 nhằm xác minh, bắt giữ tàu biển nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Lực lượng PCMT đã rà soát tới trên 500 tàu nước ngoài, trong đó có gần 200 tàu đến từ Nam Mỹ vào các cảng Việt Nam nhưng khi thực hiện kế hoạch PR-02, xác minh được đúng các container nghi vấn thì đó lại là hàng lỏng, vận chuyển bằng container riêng, là loại hàng miễn kiểm hóa nên việc kiểm tra bí mật lô hàng trên bằng phương pháp thông thường để xác định chính xác có ma túy hay không là không thể. Việc giao nhận ma túy trên biển cũng hết sức tinh vi. Cách cổ điển nhất các đối tượng thường áp dụng là dùng tàu nhỏ, tranh thủ lúc đêm tối, thời tiết xấu nhanh chóng cập mạn tàu lớn “ăn hàng” rồi chuyển vào đất liền đưa đi tiêu thụ. Gần đây, chúng còn cho ma túy vào các thùng kim loại kín nước, thả xuống biển rồi ung dung thông báo cho bạn hàng đến trục vớt đem đi tiếp. Hay ma túy được bọc kín, thả vào các khoang chứa dầu, chứa nước trên tàu hay neo dưới thân tàu thuyền (phần chìm dưới nước), khi có “biến”, chỉ cần một nút bấm là có thể “hoàn toàn vô tội”.

Trong thời gian tới, theo dự báo của các tổ chức, cơ quan chức năng, nhiều con đường vận chuyển ma túy qua nước ta và các nước xung quanh ra biển Đông, biển Thái Lan để vận chuyển đi các nước, nhất là những nước tiêu thụ nhiều ma túy sẽ được khơi thông. Cùng với đặc điểm nước ta có gần 8.000km biên giới đường bộ, đường biển; có nhiều sân bay, cảng biển và cửa khẩu quốc tế mà tội phạm ma túy sẽ triệt để lợi dụng thì việc ngăn chặn nguồn ma túy buôn lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt qua đường biển sẽ là nhiệm vụ chủ yếu và là cuộc đấu tranh rất quyết liệt, cam go.
Thanh Hòa