Những lô đất 'vàng' đang bị bỏ hoang
Các Website khác - 13/08/2005

Tài sản thế chấp bổ sung của Công ty Minh Phụng là lô đất 2,3 ha gần mặt tiền đường Trần Não (TP HCM) và lô 4,2 ha dọc sông Sài Gòn được giao cho Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu (Eximbank) quản lý hiện bị bỏ hoang nhiều năm, do có bất đồng trong cách giải quyết khối tài sản trên.

Hiện, theo giá trị trường, những diện tích trên có giá 18-20 triệu đồng/m2.

Lô đất rộng 2,2 ha gần mặt tiền đường Trần Não.

Tháng 1/2000, theo phán quyết của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, Eximbank được quản lý, khai thác, phát mãi khu đất hơn 8 ha của Công ty Minh Phụng để thu hồi nợ. Tháng 4/2001, Phòng Thi hành án TP HCM mới tiến hành bàn giao khu đất nêu trên cho Eximbank.

Trước đó 2 tháng, Eximbank đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng toàn bộ lô đất để đưa vào khai thác kinh doanh.

Eximbank là bên được giao tài sản để cấn trừ nợ, không có chức năng làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật nhà ở, nên dự án “hợp tác kinh doanh” với Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Tháng 10/2002, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến: Eximbank phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là “bán đấu giá công khai, sát giá thị trường theo đúng quy định của pháp luật”.

Tương tự, thường trực Ban chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Minh Phụng - Epco cho rằng, việc Eximbank ký hợp đồng với doanh nghiệp khác xây dựng dự án nhà ở trên lô đất được giao quản lý, khai thác, phát mãi để thu hồi nợ là trái với nội dung quyết định của bản án đã tuyên và trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Vì lẽ đó, số tiền hơn 1,6 tỷ đồng mà Eximbank đã chi cho đối tác là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn không được trừ vào tiền bán tài sản, mà phải tự chịu trách nhiệm thanh toán vào chi phí kinh doanh.

"Chúng tôi không sai phạm"

Chiều 5/8, Phó tổng giám đốc Eximbank Trần Minh Khởi cho biết: “Lúc đó các ngân hàng được giao tài sản của Minh Phụng đều triển khai làm dự án để bán thu hồi nợ, không ai cấm gì hết. Không ai nói phải bán đấu giá nên Eximbank ký hợp đồng với Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn với mục đích là làm dự án".

Theo ông Khởi, trong hợp đồng ghi “liên doanh liên kết” nhưng thực chất là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn bỏ tiền ra làm hạ tầng cho Eximbank rồi hưởng 2% doanh thu, hoàn toàn không có ăn chia.

Về lô đất không được Eximbank đưa vào khai thác trong suốt 2 năm, ông Khởi nêu lý do khi được bàn giao đất Phòng thi hành án phải giao vị trí đất có cắm mốc, ranh giới phù hợp với 8ha nhưng hầu như tất cả “chỉ bàn giao trên giấy tờ”.

Việc giải tỏa (do các hộ dân lấn chiếm) thuộc chức năng của chính quyền địa phương, Eximbank đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu quận 2 giúp đỡ nhưng không thể một sớm một chiều mà xong. "Cho tới bây giờ Eximbank đã thực hiện đúng và thực hiện xong các quyết định liên quan đến xử lý tài sản của Minh Phụng được giao, không sai phạm gì hết”, ông Khởi khẳng định.

Theo ông Hà Thái Dũng Minh (phụ trách tổ theo dõi xử lý phần tài sản Minh Phụng - Epco, Phòng Thi hành án dân sự TP HCM), Minh Phụng mua đất theo kiểu “đại gia”, chỉ chồng tiền không đo đạc nên giấy tờ có loại có, loại không có; khi bàn giao đất bộ phận nghiệp vụ mới phối hợp với chính quyền địa phương đi xác minh lại, cắm mốc, ranh giới... Trong khi đó, Eximbank lại “mặn mà” với việc lập dự án kinh doanh nhà, không để ý đến những nguyên nhân khách quan trên, dẫn đến lô đất chậm đưa vào khai thác khi không được phép thực hiện dự án. Ông Minh cho biết, đến nay Eximbank đã hoàn tất việc thu đủ nợ từ tài sản Minh Phụng với số tiền hơn 253 tỷ đồng, đồng thời còn điều tiết sang các ngân hàng khác số tiền đã thu dư qua bán tài sản thế chấp.

(Theo Tuổi Trẻ)