Cải cách vì lợi ích của nhân dân
Cải cách hành chính (CCHC) là một đòi hỏi khách quan trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó hướng đến việc xây dựng nền hành chính năng động, phù hợp cơ chế và quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời nó khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường. CCHC còn góp phần khơi dậy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, chống tham nhũng và tiêu cực. Do đó, CCHC phải là một cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, theo một chiến lược, kế hoạch rõ ràng, thật sự là khâu đột phá của toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm năm qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 1.159 văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước và tạo môi trường thông thoáng để phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung hoàn thiện quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đấu thầu các dự án. Thành phố từng bước chuẩn hóa, mẫu hóa và công khai hóa nhiều thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và công dân. Thống nhất áp dụng 185 biểu mẫu về lĩnh vực nhà đất, cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm hành chính và công chứng, chứng thực.
Thành phố đang xem xét để ban hành tiếp 90 biểu mẫu hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường, xã, thị trấn và tiếp tục mẫu hóa các thủ tục hành chính khác của sở ngành, quận huyện. Công khai minh bạch các quy định của thủ tục hành chính, quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố; công khai các dự án đầu tư, công khai chủ trương đầu tư đối với các dự án mới, quyết định phê duyệt dự án khả thi để tổ chức và công dân góp ý kiến giám sát quá trình thực hiện.
Thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thành phố hình thành hệ thống đối thoại doanh nghiệp với chính quyền thành phố. Ðây là kênh đối thoại qua mạng trực tuyến giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ðến nay, đã thu hút 20 hiệp hội doanh nghiệp và 488 doanh nghiệp tham gia hệ thống. Số lượng truy cập hơn 100 nghìn lượt, số lượng câu hỏi đã được trả lời đạt 100%. Tuy là mô hình mới thử nghiệm, nhưng hoạt động của hệ thống đã hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thông tin cởi mở, công khai, thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoan nghênh. Sáu tháng đầu năm 2005, số doanh nghiệp đăng ký tham gia đối thoại tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Hải quan TP Hồ Chí Minh thường xuyên có hơn 18.000 doanh nghiệp quan hệ làm thủ tục, chiếm 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và 45% số thuế xuất nhập khẩu của hải quan cả nước. Ðể thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Hải quan TP Hồ Chí Minh thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, chống gây phiền hà các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa ở các khâu: khai hải quan, kiểm tra đăng ký hồ sơ, kiểm tra sau thông quan. Thành phố đang thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Người khai hải quan được tự khai, tự nộp thuế và các khoản thu khác, thật sự tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho doanh nghiệp, hạn chế phiền hà của nhân viên hải quan. Cục Hải quan phối hợp cơ quan của thành phố đối thoại với doanh nghiệp qua mạng internet. Với cách làm đó, hải quan thành phố đã thực hiện tốt phương châm thuận lợi, tận tụy, chính xác, được doanh nghiệp và nhân dân đồng tình ủng hộ.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa ở các sở, ngành, phường, xã, thị trấn. Kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn và thỏa mãn yêu cầu của tổ chức, công dân của sở ngành, phường, xã đạt tỷ lệ bình quân 90-95%. Ở các quận, huyện hoàn thiện cơ chế một cửa một dấu, đáp ứng các nhu cầu về hành chính của công dân và doanh nghiệp. Thành phố điểm mô hình tổ nghiệp vụ hành chính công ở quận 3, quận 11, Tân Bình. Số đông công dân và doanh nghiệp hài lòng khi có nhu cầu đến cơ quan Nhà nước giao dịch về hành chính.
CCHC đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Sở Kế hoạch và Ðầu tư lập tổ công tác xử lý vướng mắc về thủ tục hành chính. Từ đầu năm đến nay đã cấp phép đăng ký kinh doanh cho gần 6.000 doanh nghiệp với số vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, trong đó cấp phép qua mạng cho 2.117 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với số vốn 2.995 tỷ đồng. Thu hút hơn 200 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó cấp phép qua mạng 12 dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường cải tiến thủ tục giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy trình một cửa. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết 131 hồ sơ đúng thời gian quy định (20 ngày đối với đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng và 40 ngày đối với đất chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng); trung tâm đăng ký nhà đất thuộc Sở đã tiếp nhận 5.756 hồ sơ đăng ký biến động nhà đất và 13.443 hồ sơ giao dịch nhà đất, hầu hết đã giải quyết đúng hẹn.
Ðể đáp ứng yêu cầu của CCHC thành phố đã quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Năm năm qua đào tạo, bồi dưỡng 124.713 lượt cán bộ, công chức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Hiện nay, cán bộ, công chức hành chính của thành phố 65% có trình độ đại học, 2% trên đại học, 10% cao đẳng trung cấp. Số còn lại chưa qua đào tạo.
Tập trung cải cách bộ máy và con người
Mặc dù thành phố đã có nhiều cải tiến, hoàn chỉnh các thủ tục, quy trình giải quyết dịch vụ công, quản lý quy hoạch, đầu tư, nhà đất, xây dựng, thu chi ngân sách; chuẩn hóa, mẫu hóa thủ tục giải quyết công việc hành chính liên quan đến công dân, tổ chức và doanh nghiệp... Nhưng CCHC ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế và vướng mắc. Dân vẫn còn kêu ca, thậm chí một bộ phận dân chúng chưa tin vào hiệu quả CCHC.
Vì vậy TP Hồ Chí Minh đã đề ra một số giải pháp CCHC trên cả bốn mặt: thể chế thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Trong đó đã đề ra những trọng tâm trong thời gian tới nhằm xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, trong sạch vững mạnh, ngày càng phù hợp yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trước hết, cải cách cơ bản tổ chức bộ máy hành chính. Lâu nay, nhận thức tầm quan trọng của việc đổi mới, cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính trong tổng thể chương trình CCHC chưa đúng mức. Do đó, cải cách bộ máy còn chậm, quản lý kém hiệu quả. Cần có biện pháp cải cách bộ máy mạnh hơn nữa. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đơn vị, chế độ trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu, mối quan hệ và lề lối làm việc để khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà dân. Ðổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở giữa đô thị và nông thôn. Hình thành một số đơn vị thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng, thương binh - xã hội, giao thông - công chính. Thí điểm đấu thầu dịch vụ đô thị. Từ thực tiễn của thành phố, cần phối hợp cơ quan trung ương nghiên cứu có căn cứ khoa học mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đô thị theo hướng giảm cấp trung gian. Chỉ có mô hình tổ chức hợp lý mới phát huy tác dụng của thể chế, thủ tục hành chính, và hiệu quả CCHC nói chung.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ðội ngũ cán bộ, công chức thành phố khá đông, nhưng một bộ phận không nhỏ còn yếu kém về năng lực, trình độ so với yêu cầu, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhiều cán bộ, công chức chưa quen với phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nền kinh tế thị trường mang tính đa ngành đa lĩnh vực. Kỹ năng hành chính hiện là khâu yếu của công chức thành phố. Việc đào tạo bồi dưỡng công chức còn thụ động, chắp vá. Quy hoạch công chức chưa thu hút được nhiều người tài vào bộ máy hành chính các cấp. Việc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, dồn việc cho cấp dưới diễn ra khá phổ biến. Tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả. Vì vậy, giải pháp đột phá là nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố tiếp tục thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức thông qua thi tuyển, bảo đảm chuẩn hóa trình độ ngay từ đầu, chấm dứt tình trạng tuyển dụng vào lại cho đi học để hợp thức hóa bằng cấp, ngạch bậc. Xây dựng cơ chế giám sát công chức giúp công chức đề cao trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Thí điểm thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng ban của sở, ngành, quận, huyện, để tìm người đủ phẩm chất, năng lực tham gia quản lý nhà nước.
Phấn đấu đến năm 2010, 60% số cán bộ lãnh đạo các cấp thành phố và quận, huyện sử dụng được một ngoại ngữ. Hằng năm, cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp tham dự một khóa bồi dưỡng kỹ năng hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền. Có chính sách đãi ngộ và thưởng phạt công chức hành chính. Ðặc biệt có chính sách đãi ngộ nhân tài làm việc trong bộ máy Nhà nước.
Kết thúc chương trình CCHC giai đoạn I (2001 - 2005) thành phố cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng kết quả và yếu kém, trên cơ sở đó có những giải pháp thực tế và căn cơ để tạo bước chuyển biến rõ rệt công tác CCHC ở thành phố, thật sự xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, giải quyết nhanh các khiếu nại, tố cáo của công dân, thể hiện rõ bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ðó là thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả CCHC trong thời gian tới của thành phố Hồ Chí Minh.
|